Những điều cần biết khi sắp làm dâu Hà Tĩnh
Đám cưới – kết quả happy ending cho một cuộc tình đẹp, nhưng đồng thời cũng là sự khởi đầu của một gia đình mới, nơi mà cả đôi bên cùng nhau cố gắng xây dựng, vun đắp. Bởi cuộc sống sau hôn nhân không giống như lúc yêu hay thời còn độc thân, chính bởi lẽ đó mà tâm lý lo lắng của những nàng dâu mới là điều dễ hiểu. Điều đó càng trở nên khó khăn hơn khi bạn thuộc vùng miền khác nhưng lại làm dâu xứ lạ, mà cụ thể ở đây là làm dâu Hà Tĩnh. Về chốn “mô, tê, răng, rứa” chắc hẳn tâm lý chung của chị em khá lo lắng, bối rối, không biết rồi nói chuyện với bố mẹ chồng thế nào?, nấu nướng ra sao cho hợp khẩu vị?, có điều gì ở văn hóa, phong tục Hà Tĩnh mà mình cần chú ý không?,… Đừng lo lắng, làm dâu Hà Tĩnh sẽ không khó khi bạn ghi nhớ những điều ngay dưới đây.
Những điều cần biết khi sắp làm dâu Hà Tĩnh
Làm quen với giọng Hà Tĩnh
“Cái gầu thì bảo cái đài
Theo Nguyễn Bùi Vợi
Ra sân thì bảo ra ngoài cái cươi
Chộ tức là thấy mình ơi
Trụng là nhúng đấy đừng cười nghe em
Thích chi thì bảo là sèm
Nghe ai bảo đọi thì mang bát vào
Cá quả lại gọi cá tràu
Vo troốc là bảo gội đầu đấy em…
Nghe em giọng Bắc êm êm
Bà con hàng xóm đến xem chật nhà
Răng chưa sang nhởi nhà choa
Bà o đã nhốt con ga trong truồng
Em cười bối rối mà thương
Thương em một lại trăm đường thương quê”
Một trong những điều mà nếu về làm dâu Hà Tĩnh bạn cần phải biết đó chính là giọng nói, cách phát âm của người Hà Tĩnh. Mặc dù tiếng Việt là ngôn ngữ chung của đất nước Việt Nam, nhưng do đặc trưng vùng miền, văn hóa lối sống mà có phương ngữ Bắc, phương ngữ Trung, phương ngữ Nam. Theo đó, Hà Tĩnh thuộc vùng miền Trung và có nhiều nét riêng về giọng nói mà nếu bạn không phải là người dân địa phương thì rất khó để nghe rõ.
Trước hết về cấu trúc âm tiết, tiếng Hà Tĩnh thường thiếu vắng âm đệm. Ví dụ như người Bắc thường nói là: lúa, lửa, đường, nước, người , muối,… thì lần lượt sẽ là ló, lả, đàng, nác, ngài, mói,… Ngoài ra, một số nơi ở Hà Tĩnh còn biến đổi phần âm đầu như:
“gi” thành “tr” ví dụ “giữa” thành “trửa”
“a” thành “e” ví dụ “anh” thành “enh”
Hay một kiểu khác đó là có âm đệm nhưng kiểu bị thay thế ví như: “ cái quần” thành “cái quìn”, “không biết” thành “khung biết”. Ngoài sự giảm bớt về âm đệm thì về phần thanh điệu người Hà Tĩnh thường có sự chuyển đổi giữa dấu ngã với dấu nặng hay dấu hỏi, ví như: “Hà Tĩnh” thành “Hà Tịnh”, “gỗ’ thành “gộ”, …
Măt khác, bạn còn sẽ phát hiện ra rằng: nhiều từ địa phương ở Hà Tĩnh không có trong từ điển chung của tiếng Việt mà cụ thể đơn giản trong cuộc sống hằng ngày bạn sẽ bắt gặp như:
“đầu gối – trục cúi
mẹ – mệ
mũ – mạo, miều
bát ăn cơm – đọi
muỗng – môi, vá
chảo – seng
chổi – chủi
sân – cươi”
Nhiều người nói đùa rằng không nhẽ người Việt nói chuyện với nhau cũng cần phiên dịch, nhưng đúng thật, nếu bạn là người thuộc địa phương khác yêu trai Hà Tĩnh thì hãy nhờ anh người yêu (chồng bạn) dịch hộ để tránh những tình huống dở khóc dở cười nhé. Có thể lúc đầu nghe tiếng Hà Tĩnh bạn cảm thấy khó khăn nhưng lâu dần tiếp xúc với người dân nơi đây mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Có thể nghe nặng giọng nhưng dân dã, mộc mạc, để rồi đi đâu nghe cái giọng là biết ngay đồng hương, biết ngay “cái enh ni ngài Hà Tịnh”. Và cũng chính sự đa dạng trong từ địa phương, vùng miền ấy mà đã làm giàu thêm cho vốn ngôn ngữ Việt.
Làm quen với phong tục văn hóa

Phong tục văn hóa có thể hiểu là những thói quen, chuẩn mực trong cuộc sống hằng ngày đã được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác mà để tránh sự bỡ ngỡ, tạo vui vẻ, thuận hòa cho hai bên thì trước khi làm dâu Hà Tĩnh bạn nên tìm hiểu qua một tí nhé.
Người Hà Tĩnh khá cởi mở, hiếu khách nên việc đến nhà chơi nói chuyện, uống nước là điều dễ gặp. Họ thường chia sẻ với nhau những câu chuyện cuộc sống hằng ngày, cách trồng cây, nuôi gà hay cả việc nuôi dạy con trẻ. Ở Hà Tĩnh, “tình làng nghĩa xóm” luôn được đề cao nên mỗi khi gia đình nào có việc lớn như đám cưới, đám hỏi, tân gia, đám tang,… đều có sự giúp đỡ của những người làng xóm xung quanh. Họ nhiệt tình phụ giúp các công việc như người thân trong nhà nên có làm dâu Hà Tĩnh bạn cũng đừng lo lắng việc rửa chén hay nấu nướng mỗi khi có tiệc.
Hướng về cội nguồn, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là một trong những điều mà từ xưa cha ông ta răn dạy. Bởi thế, trong những dịp lễ Tết người Hà Tĩnh thường có thói quen đến dâng hương nhà thờ họ, nhà thờ Tổ, đến chào hỏi những người cao niên, lớn tuổi. Nếu làm dâu Hà Tĩnh bạn nhớ chú ý vào những ngày này mặc trang phục lịch sự để đến dâng hương.
Một điều nữa, ở một số nơi tại Hà Tĩnh, cô dâu sau khi cưới thường sẽ được mẹ chồng dẫn đi quanh các nhà hàng xóm để giới thiệu làm quen, với mong muốn cô dâu mới sẽ quen hơn với những người nơi đây, cảm thấy gần gũi hơn khi gặp gỡ. Bởi vậy đừng lo buồn, không ai chơi khi về làm dâu Hà Tĩnh.
Làm quen với thời tiết Hà Tĩnh

Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng lớn của khí hậu chuyển tiếp hai miền Bắc, Nam. Ai sinh ra và lớn lên ở vùng quê Hà Tĩnh chắc sẽ biết rằng nơi đây có hai mùa nắng mưa rõ rệt. Thông thường, mùa nắng sẽ kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10 và mùa mưa lạnh sẽ từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
Vào mùa khô (mùa hè) thời tiết Hà Tĩnh khá nắng, nhiệt độ trung bình có thể lên tới 38.5 đến 40 độ C ở những tháng cao điểm như 6, 7. Mùa hè là thời điểm người dân Hà Tĩnh thu hoạch lúa, bởi vậy bạn sẽ bắt gặp những cánh đồng lúa vàng mênh mông bất tận và cảnh người dân tất bật thu hoạch vụ mùa. Thời tiết nắng nóng cũng là dịp để mọi người vi vu du lịch với biển cả hay tham quan danh lam thắng cảnh. Về làm dâu Hà Tĩnh, bạn không cần đi quá xa để thấy biển hay những cảnh đẹp, bởi nơi đây có nhiều vùng biển khá nổi tiếng như Thiên Cầm, Hoành Sơn, Thạch Hải, Lộc Hà, Kỳ Xuân,…. Ngoài ra, bạn cũng có thể đến tham quan Hồ Kẻ Gỗ, Ngã Ba Đồng Lộc, cuối tuần nghỉ mát tại Quỳnh Viên hay Khu du lịch Đá Bạc,…
Vào mùa mưa thời tiết Hà Tĩnh khá lạnh, nhiệt độ xuống thấp nên sẽ không thể thiếu đi những chiếc áo phao hay áo len dày. Về làm dâu Hà Tĩnh trong tiết trời đông lạnh giá bạn nhớ chuẩn bị những trang phục giữ ấm để tránh bị cảm lạnh.
Làm quen với ẩm thực Hà Tĩnh

Tùy phong tục tập quán, thói quen, địa hình, khí hậu mà mỗi nơi trên đất nước Việt có một nét đặc trưng riêng trong văn hóa ẩm thực. Nếu như miền Bắc nhẹ nhàng, tinh tế với những món ăn truyền thống; miền Nam ngọt ngào, dân dã; thì miền Trung ai đã từng ghé qua sẽ nhớ mãi hương vị đậm đà, cay nồng. Và không chỉ nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp, quê hương Hà Tĩnh hứa hẹn sẽ không làm bạn thất vọng bởi những món ngon hấp dẫn. Về làm dâu Hà Tĩnh, để không khỏi bỡ ngỡ với những món ăn nơi đây hay bạn muốn trổ tài vào bếp thì việc tìm hiểu một số điều về ẩm thực miền Trung là điều cần thiết.
Nói đến các món ăn Hà Tĩnh, hầu như ai cũng nghĩ đến sự giản dị, mộc mạc. Có lẽ chính bởi sự khắc nghiệt của thời tiết đã tạo nên những con người Hà Tĩnh thật thà, chất phác. Và điều này phần nào tác động đến phong cách ăn uống của người dân nơi đây. Thông thường những món ăn Hà Tĩnh sẽ mang đặc trưng vị cay, mặn. Do đó mà bạn dễ thấy rằng trong bữa cơm thường ngày của họ sẽ không thể thiếu đi một chén mắm ớt tỏi hay vài trái ớt tươi đi kèm. Không quá cầu kỳ trong cách chế biến hay trang trí, các món ăn nơi đây thường mang sự đơn giản, thanh lịch, nhẹ nhàng. Bởi thế, bạn đừng quá lo lắng nếu không thuộc tuýp người khéo léo nhé.
Một số đặc sản, món ngon mà nếu về làm dâu Hà Tĩnh chắc chắn bạn sẽ được thưởng thức thường xuyên đó là cu đơ, bánh gai, mực nhảy Vũng Áng, bánh đa vừng, ram bánh mướt, hến xào, tôm mực hấp…
Thủ tục cưới hỏi

Đám cưới là sự kiện trọng đại lớn trong cuộc đời của mỗi con người, chính bởi lẽ đó mà việc chuẩn bị, sắp xếp cho ngày ấy là vấn đề quan trọng không kém. Nếu chàng trai bạn yêu là người Hà Tĩnh, sắp tới đây bạn sẽ làm dâu quê hương Nghệ Tĩnh, thì tìm hiểu một số phong tục cưới hỏi ở nơi đây là điều cần thiết để hai bên gia đình có thể hiểu rõ hơn, giúp lễ cưới diễn ra vui vẻ, đúng mực.
Các nghi lễ trong đám cưới ở Hà Tĩnh
Trước tiên là về phần nghi lễ, mặc dù không phải địa phương nào ở Hà Tĩnh cũng tổ chức lễ cưới giống nhau, nhưng nhìn chung, thông thường, một đám cưới ở miền Trung thường có 3 bước cơ bản đó là: Dạm ngõ, Lễ ăn hỏi hay còn gọi là Lễ đính hôn và Lễ cưới.
Lễ dạm ngõ
Lễ dạm ngõ là lần gặp mặt chính thức đầu tiên của hai bên gia đình để bàn về chuyện cưới hỏi, thống nhất ngày lành tháng tốt cho đôi bạn trẻ nên duyên vợ chồng.
Lễ ăn hỏi
Lễ ăn hỏi (Lễ đính hôn): Là ngày mà gia đình nhà trai chuẩn bị lễ vật để đưa sang nhà gái hỏi cưới. Mâm lễ vật thường là số lẻ, có thể 5, 7 hoặc 9 tùy từng gia đình nhưng cơ bản sẽ có: Mâm cau trầu, Mâm rượu thuốc, Mâm hoa quả, Mâm bánh phu thê, Heo (lợn) quay hoặc có những gia đình cúng chay thì mâm lễ heo quay sẽ được thay thế bằng lễ vật khác sao cho phù hợp. Thông thường, ngày diễn ra lễ ăn hỏi, cũng là ngày mà bên phía gia đình nhà gái sẽ tổ chức tiệc mừng, mời xóm giềng, anh em, bạn bè đến chung vui. Và sau khi đoàn nhà trai ra về, nhà gái sẽ chia lại một phần các mâm lễ hỏi để nhà trai đưa về. Một điểm cần lưu ý lúc nà đó là những khay quả trống không sẽ được lật ngửa nắp để biểu hiện rằng nhà cô dâu vui mừng tiếp nhận lễ của nhà trai.
- Thời điểm: Tùy ngày lành tháng tốt hai bên gia đình thống nhất mà lễ ăn hỏi có thể diễn ra sau lễ dạm ngõ 1 – 3 tháng hoặc có thể sau mấy ngày hay một số gia đình có thể tổ chức lễ ăn hỏi và lễ cưới trong cùng 1 ngày.
- Thành phần tham gia: Bên phía nhà trai: những người mời đi thường là bậc cao niên trong gia đình, dòng họ, bạn bè và đội bê tráp gồm những nam thanh niên chưa vợ. Thông thường những người có tang hay gia đình trục trặc, không hòa thuận sẽ không trực tiếp tham gia lễ hỏi hay rước dâu. Bên phía nhà gái cũng tương tự, với số nữ đón lễ vật tương ứng với số nam.
Lễ cưới
Lễ cưới: là ngày lễ quan trọng khi mà nhà trai sẽ chọn giờ đẹp đến đón và rước cô dâu về nhà chồng. Đoàn nhà gái cũng sẽ cùng đi và đến tham gia lễ cưới tại nhà trai. Sau khi tiến hành các nghi thức của lễ cưới cô dâu và chú rể sẽ đến từng bàn tiệc để chúc rượu, cảm ơn bạn bè, xóm giềng, những người thân yêu đến tham dự lễ cưới của mình.
Ngoài ra, sau lễ cưới 3 ngày sẽ có lễ lại mặt là lúc đôi vợ chồng son về lại nhà gái.
Một số điều trong phong tục cưới hỏi ở miền Trung mà bạn nên biết:
- Những người đưa – đón dâu phải là người không có tang để tránh mang vận rủi đến cho cặp đôi.
- Phụ nữ mang thai sẽ không được trang trí phòng cưới cho cô dâu, chú rể
- Phòng cưới sau khi trang trí sẽ được khóa lại cho đến khi cô dâu, chú rể bước vào
- Trên đường rước dâu, nếu có đi qua ngã ba, ngã năm, ngã bảy, hay qua sông, qua cầu thì cô dâu chú rể cần thả một ít tiền lẻ hay gạo muối để mong mọi chuyện thuận lợi.
- Khi rước dâu, chào bố mẹ để về nhà chồng thì cô dâu nhớ đi thẳng không ngoáy đầu lại
Một số điều cần lưu ý khác
- Trước khi cưới, bạn hãy cố gắng đến nhà chồng chơi, ăn cơm, làm quen với mọi người nhiều hơn để cảm thấy gần gũi, hiểu thêm cách sống ở gia đình chồng để tránh bỡ ngỡ sau này.
- Đừng gắng tỏ ra “ngoan hiền” hay cố chiều lòng tất cả mọi người bởi như thế sẽ làm bạn mệt mỏi. Cuộc sống hôn nhân không phải ngày một, ngày hai, chính bởi vậy bạn hãy cứ là chính mình, sống thật với mọi người để cả hai bên cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn có thể thoải mái quá đà, ăn lúc nào ăn, ngủ lúc nào ngủ. Hãy tôn trọng lối sống và thói quen sinh hoạt của gia đình chồng và những người lớn. Là chính mình nhưng không có nghĩa là tự do quá đà bạn nhé.
- Nhập gia tùy tục: Chắc hẳn mới về làm dâu bạn chưa biết tính cách của mỗi người trong nhà thế nào để ứng xử cho đúng mực. Bởi thế, đừng nên quá vội vã đánh giá hay cố gắng thể hiện quá đà, hãy để ý xem cách nói chuyện, ứng xử và thể hiện tình cảm của mọi người như thế nào để có cách xử sự đúng mực.
- Nếu có thể, hãy chủ động cùng chồng hoặc mẹ chồng đến chào hỏi những người họ hàng, làng xóm xung quanh để cảm ơn họ đã đến mừng ngày hạnh phúc của vợ chồng bạn, đồng thời tăng thêm sự gắn kết tình cảm họ hàng. Điều này chắc chắn sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt gia đình chồng, họ sẽ tự hào khi có cô con dâu mới hiểu chuyện, biết đối nhân xử thế.
- Bạn có thể không quá khéo léo trong chuyện nấu nướng, nhưng hãy phụ những việc nhỏ khác. Ví dụ: bạn nấu ăn không quá ngon thì bạn có thể phụ nhặt rau, sắp xếp chén đũa,…
- Đừng ngại học hỏi: có thể bạn khá vụng về trong việc nấu nướng, hay làm việc nhà nhưng đừng ngại học hỏi. Hãy thẳng thắn nhờ mẹ chồng hay những người thân khác giúp đỡ, chỉ dạy, điều này sẽ không những giúp bạn khéo léo hơn mà còn tạo sự vui vẻ, dễ gần giữa hai bên.
- Chú ý cách ăn mặc nhất là khi bạn đang sống trong gia đình chồng có nhiều thế hệ: Khác với phong cách ăn mặc đơn giản, phóng khoáng của miền Nam, người miền Bắc và cả miền Trung có phần cầu kỳ và yêu cầu nhiều hơn về sự kín đáo trong trang phục. Bởi thế là dâu mới, bạn cần chú ý hơn trong cách ăn mặc khi ở nhà, nên chọn những bộ đồ gọn gàng, kín đáo nhưng vẫn thoải mái toát lên được vẻ duyên dáng, thục nữ của mình.
- Thẳng thắn chia sẻ với chồng bạn những điều bản thân băn khoăn để cả hai giải quyết, cảm thấy thoải mái hơn khi sống chung.
Kết luận
Người Hà Tĩnh thật thà, dễ mến nên đừng lo lắng nếu bạn yêu một chàng trai Hà Tĩnh. Tất nhiên cảm xúc hồi hộp là điều không thể tránh khỏi, nhưng chúng tôi hy vọng rằng với những điều đã chia sẻ ở trên các cô gái sẽ tự tin hơn khi hiểu về con người, phong tục, văn hóa ở Hà Tĩnh.